Từ trạm y tế lưu động tại TP.HCM: Gợi ý nào cho Hà Nội?

VHO- Từ 10 trạm y tế lưu động đầu tiên được thành lập tại quận 7 (TP.HCM), sau phát triển thành 34 trạm đã giúp quận này tiên phong trong công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Đây sẽ là kinh nghiệm để Hà Nội có thể tham khảo trong bối cảnh số bệnh nhân đang tăng cao, cùng với đó là lượng bệnh nhân điều trị tại nhà cũng tăng.

Từ trạm y tế lưu động tại TP.HCM: Gợi ý nào cho Hà Nội? - Anh 1

 Một trạm y tế lưu động tại TP.HCM

 Được Bộ Y tế giao, Cục Phòng, chống HIV/AIDS thiết lập và hướng dẫn thành lập trạm y tế lưu động tại TP.HCM, trong đó có quận 7 với 10 trạm y tế lưu động đầu tiên.

Đến từng nhà, rà từng bệnh nhân F0

Ông Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) cho biết, vào thời điểm cuối tháng 7.2021, số bệnh nhân F0 tại quận 7 tăng cao và chưa có chủ trương điều trị tại nhà, bệnh viện quá tải nhưng nếu bệnh nhân không được theo dõi thì nguy quá nên các cán bộ đã đề xuất với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận 7 thành lập tổ y tế dân phố, sau gọi là tổ y tế cộng đồng, đặt tại các phường, khu dân cư.

Và trạm y tế lưu động cũng được tạo nên từ tổ y tế cộng đồng này. Lúc đó, chính sách là thu dung bệnh nhân nên mỗi phường có 2-3 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 và rất thiếu bác sĩ, vì vậy chỉ còn một số bác sĩ tại trạm y tế, cùng bác sĩ tình nguyện. 10 trạm y tế lưu động dựa vào số bác sĩ này với mỗi trạm một bác sĩ, 5 SV tình nguyện trường Y, một ô tô cấp cứu với 2 lái xe, còn lại là các tình nguyện viên để dẫn đường. Mỗi tổ được phân công phụ trách các địa bàn riêng, mỗi người trong tổ được phân công công việc cụ thể, có 2 đường dây hotline để nghe phản ánh từ bệnh nhân, tư vấn, sàng lọc bệnh nhân và chuyển thông tin tới bác sĩ, nếu bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng thì lập tức xuống nhà kịp thời cấp cứu, cung cấp oxy, thuốc và gọi xe cấp cứu để đưa tới bệnh viện.

“Bệnh Covid-19 nếu chỉ số oxy trong máu (SP02) bắt đầu giảm thì bệnh nhân vẫn cảm thấy bình thường, nhưng giảm dưới 90 thì bệnh diễn biến nặng rất nhanh, hôn mê và có thể tử vong. Do đó, mục tiêu là cứu người đầu tiên. Rất may, trạm y tế lưu động được Công ty Phương Trang hỗ trợ xe 16 chỗ và thay đổi công năng, tháo ghế, lắp bình oxy, cáng và 2 lái xe thay nhau nên sau khi phân loại, sàng lọc, nếu bệnh nhân cần cấp cứu sẽ có tình nguyện viên dẫn đường tới nhà bệnh nhân. Còn lại nếu bệnh nhân chưa có dấu hiệu chuyển nặng thì được tư vấn, giải thích và thực hiện các quy trình phát thuốc cho họ”, ông Võ Hải Sơn nói.

Cũng theo Trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm, công tác truyền thông, an dân là quan trọng vì để cho họ biết có người ở bên cạnh mình, tại quận 7 gần như in các số điện thoại rải khắp nơi ở khu dân cư. Bởi vì, nếu người dân hoảng, họ gọi lên các cấp quận, TP thì rất rối và không phân loại được bệnh nhân, ai cần, ai không cần đưa đi cấp cứu. Lúc đầu cứ 3 phút lại có người gọi điện thoại, nhắn tin, nếu không có người chuyên nghe điện thoại thì người làm việc ở địa bàn sẽ rất phân tâm, hoặc lúc đang mặc bộ bảo hộ thì không nghe máy được, dễ gây bức xúc với người dân…

Hà Nội cần tham khảo

Sáu ngày qua, Hà Nội dẫn đầu số bệnh nhân F0 trên cả nước ví như ngày 25.12 với số ca ghi nhận cao nhất từ trước đến nay là 1.879 ca. Hà Nội đã thực hiện chính sách điều trị F0 tại nhà, tuy nhiên nhiều ý kiến người dân phản ánh về việc ngành Y tế chậm trễ trong việc chăm sóc, điều trị F0.

Theo ông Võ Hải Sơn, thời điểm dịch tại Hà Nội và TP.HCM hồi tháng 7 hoàn toàn khác nhau vì tỷ lệ tiêm chủng của người dân đã cao, số lượng bệnh nhân tăng nhanh nhưng chuyển trạng thái cần cấp cứu điều trị giảm, mật độ dân số ít hơn, khu dân cư thường tách biệt với các khu công nghiệp nên giảm tốc độ lây lan. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là phải giải quyết về tâm lý cho người dân, có người có chuyên môn để giải đáp những thắc mắc, băn khoăn cho bệnh nhân, tránh tình trạng hoang mang và loạn thông tin trên mạng xã hội. Đồng thời, khi vướng mắc sẽ làm theo một số phương pháp truyền miệng, hoặc dùng thuốc không có sự giám sát của bác sĩ dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.

Tại thời điểm này, Hà Nội đã có tính chuẩn bị, sẵn sàng cao hơn, khả năng điều trị bệnh nhân nặng tốt hơn nên không quan ngại như TP.HCM. Dù vậy ngành Y tế vẫn phải dự báo, tiên lượng số ca lây nhiễm vì khi vượt ngưỡng công năng sử dụng tại các cơ sở y tế thì việc chuyện đổi trạng thái rất nhanh. “Trước đây, chúng tôi đã dự báo số ca nhiễm tại quận 7 nhưng vẫn còn thấp hơn thực tế, mà hồi đó không ai tin số bệnh nhân có thể lên tới chừng đó. Vì sao quận 7 đã tiên phong kiểm soát dịch được vì đã tiên lượng và bố trí sẵn sàng nhân lực, thu dung, thiết bị, chủ động thiết lập hệ thống bồn oxy. Vì vậy, Hà Nội cần phải có dự báo để chuẩn bị nguồn lực, vì khi không dự báo được thì dịch sẽ lan nhanh và bị động”, ông Hải cho hay.

Về một số ý kiến phàn nàn của người dân về việc F0 bị “bỏ rơi” hoặc không được quan tâm chăm sóc, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, Hà Nội cần phải đánh giá nhanh, rằng có tình trạng này hay không, xảy ra trên địa bàn nào, nguyên nhân vì sao. Nếu tại khu vực đông dân cư thì cần phải bổ sung thêm nhân viên y tế, nếu nhân viên y tế đã làm việc 200% công suất vẫn không đủ đáp ứng, hoặc mới chỉ 50% thì phải tổ chức sắp xếp các vị trí, nhiệm vụ một cách khoa học, không chồng lấn. Một người một lúc phải xử lý nhiều việc thì không thể đảm bảo chất lượng được. Hà Nội đang cố gắng trong công tác phòng, chống dịch, nếu làm được 1.000 cái tốt, nhưng chỉ có 2-3 cái làm chưa tốt thì xu hướng nhận thông tin chưa tốt sẽ lan tỏa nhanh hơn, gây hệ lụy nhiều vấn đề.

“Mô hình của Hà Nội là trạm y tế lưu động gắn với thu dung bệnh nhân, có thể là hay ở chỗ này nhưng chưa hay ở chỗ khác, có thể vừa chăm sóc vừa thu dung, cơ sở thu dung đầy quá thì điều trị F0 ở nhà, như thế là không ổn. Cần có sự đồng bộ thống nhất các quy trình, bố trí nhân lực tùy theo quy mô dân số, bổ sung nhân lực kịp thời, vì họ không thể làm việc quá tải kéo dài mà cần giữ nhịp, không để điểm rơi phong độ cho nhân viên y tế”, Trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm nhận định. 

 Quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao, tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng...

Ngày 26.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện 1815/ CĐ-TTg về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19; tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do Covid-19. Công điện nêu rõ, tại Việt Nam, tình hình dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát, tuy nhiên số ca bệnh mới có xu hướng tăng, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ở một số địa phương chưa giảm, trong đó mức độ bệnh tăng nặng và tử vong vẫn chủ yếu thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, kể cả người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19).

Để chủ động quản lý, theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm, tăng cường điều trị, giảm ca chuyển nặng và tử vong do Covid-19 nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhất là bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao trong bối cảnh cả nước đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo và tổ chức: Thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe, nhu cầu hỗ trợ.

Tổ chức tiêm vét vắc xin, thành lập các tổ tiêm vắc xin đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vắc xin đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không di chuyển được. Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao: Theo dõi sức khỏe, xử lý và điều trị ngay khi phát hiện mắc Covid-19 theo đúng hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2.

Thực hiện cách ly, theo dõi tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo tình trạng, mức độ bệnh, điều kiện chăm sóc, điều trị tại nhà; có sự hỗ trợ, giám sát khoa học, hợp lý, chặt chẽ, hiệu quả của cán bộ y tế và theo hướng dẫn của Bộ Y tế ... P.V

 

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc